Một người dân Hà Tĩnh vừa mới giao nộp một chú cò mỏ thìa quý hiếm cho cơ quan chức năng. Ngay lập tức, chú cò mỏ thìa đã được chuyển tới VQG Vũ Quang.

Theo anh Thái Cảnh Toàn, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Vũ Quang, ngày 10/11, một người dân đã bẫy được chú cò mỏ thìa quý hiếm này và sau đó bán lại cho một người khác. Thấy chim có mỏ lạ, người dân đã liên hệ với kiểm lâm của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và giao cò mỏ thìa cho Hạt kiểm lâm huyện. Sau đó, Hạt kiểm lâm huyện Cẩm Xuân đã bàn giao chú cò mỏ thìa này cho Vườn quốc gia Vũ Quang để chăm sóc.

Đây là lần đầu tiên phát hiện cò mỏ thìa tại Hà Tĩnh. Địa bàn sinh sống phù hợp của loài cò này là ở vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định. Chính vì thế, khi sức khỏe của chú cò mỏ thìa này ổn định, Vườn quốc gia Vũ Quang sẽ chuyển giao cho Vườn quốc gia Xuân Thủy để chú cò quý hiếm này có thể sinh sống ổn định ở môi trường quen thuộc.

Cò mỏ thìa (thuộc bộ Bồ nông, tên khoa học là Platalea minor) là giống chim quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục Đỏ IUCN 2019 thuộc hạng EN - nguy cấp (đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong thời gian gần). Theo nghị định 06, cò mỏ thìa thuộc nhóm IB. Năm 2005 các nhà khoa học đã phát hiện loài cò mỏ thìa sống tại Tiền Hải (Thái Bình) và Biên Hòa (Đồng Nai). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây loài này chỉ còn ghi nhận ở Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).

Cò mỏ thìa thích hợp với vùng nước nông, diện tích mặt thoáng lớn như các vùng đất ngập nước có bùn, đất sét hoặc cát mịn. Chúng có thể sống tại vùng đầm lầy, sông, hồ, khu vực bị ngập lụt ở vùng nước ngọt, nước mặn hay nước lợ, đặc biệt tại các vùng đảo cỏ thảm thực vật nổi.
Trên thế giới, loài chim này được pháp luật bảo hộ tại nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các khu vực trú đông của cò mỏ thìa được bảo vệ bao gồm Vườn Quốc gia Đài Nam (Đài Loan), Mai Po (Hong Kong), Manko (Nhật Bản), Xuân Thủy (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) của Việt Nam.
Lê Hiền