Mới đây, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân không nên ăn thịt chó. Trước đó đúng 1 năm, Hà Nội cũng vận động người dân điều này.
Lý do mà TP.HCM và Hà Nội kêu gọi người dân không nên ăn thịt chó là gì, dù thịt chó không phải là mặt hàng bị cấm?
Thịt chó chưa được kiểm dịch: Nguồn gây bệnh dại, nhiễm ký sinh trùng

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, thịt chó hiện nay không được kiểm dịch, thường nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh dại; có thể nhiễm hóa chất tồn dư, nhất là các hóa chất dùng để đánh bả chó rất độc có thể gây chết người.
Ngoài ra, thịt chó còn có khả năng nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào não và mắt. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.
Theo các quy định hiện hành, thịt gia súc, gia cầm làm thực phẩm phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm. Thịt chó không bị cấm nhưng cũng không được đưa vào danh mục vật nuôi làm thực phẩm cho người.

Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, cơ quan này cũng nhấn mạnh đến lý do nhân đạo: Chó chính là vật nuôi gắn bó với cuộc sống của con người từ rất lâu. Đây là loài vật được thuần hóa sớm nhất trong cuộc sống của con người. Có không ít người xem chó như là thành viên trong gia đình.
Việc ăn thịt chó chính là nguyên nhân tạo ra nạn trộm chó, đẩy nhiều người rơi vào cảm giác mất mát, đau đớn. Có không ít vụ người trộm chó bị đánh đập đến chết khi dám đánh bả, chích điện thành viên bốn chân đặc biệt này của gia đình họ.
Cách đây đúng 1 năm, chính quyền TP Hà Nội cũng đã có văn bản khuyến khích người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.
Ngoài lý do ảnh hưởng đến sức khỏe do việc giết mổ thịt chó mèo chưa được kiểm tra vệ sinh thú y, chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chính quyền Hà Nội còn cho rằng, hình ảnh kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo rất phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội; làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại.
Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho báo chí biết: "Chúng tôi dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng 2021, sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội. Đây là những khu vực trung tâm, có đông du khách quốc tế nên cần làm trước".
Còn đối với khu vực ngoại thành, Hà Nội cần thời gian để tuyên truyền hơn vì nơi này nuôi chó thả rông nhiều, khó quản lý và còn liên quan đến thói quen, tập quán của người dân trong việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm.
Nơi nào trên thế giới đã cấm giết thịt chó mèo?
Trên thế giới, nhiều nơi đã có lệnh cấm thịt chó mèo, như Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Thụy Sỹ…

Từ năm 1950, Hồng Kông ra pháp lệnh cấm giết chó, mèo làm thực phẩm. Bất cứ cá nhân nào nếu vi phạm có thể bị phạt số tiền lên tới 650 USD (15 triệu đồng) và 6 tháng tù giam. Các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển hay ngược đãi chó mèo thậm chí còn phải chịu mức xử phạt nghiêm khắc hơn với số tiền lên tới 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) và 3 năm tù giam.
Sau Hồng Kông, Đài Loan trở thành khu vực thứ 2 ở châu Á đưa ra các khung xử phạt nặng đối với hành vi giết chó mèo ăn thịt. Tháng 4/2017, Đài Loan chính thức thông qua đạo luật bảo vệ động vật, áp dụng mức phạt 250.000 đô la Đài Loan (khoảng 186 triệu đồng) nếu bị phát hiện ăn thịt chó, mèo và 2 triệu đô la Đài Loan (gần 1,5 tỷ đồng) đi kèm với 2 năm tù giam với các hành vi đối xử tàn nhẫn hoặc giết mổ chó, mèo.
Ở Thái Lan, các hành động đánh đập, đâm, thiêu, làm bỏng, bỏ đói, bỏ độc hay bất cứ hành vi ngược đãi nào gây ra nỗi đau về thể chất hoặc tinh thần cho chó, mèo, gây bệnh hoặc khiến chúng tử vong sẽ bị quy thành tội danh hành hạ động vật và đối mặt với án phạt 2 năm tù giam cùng mức nộp phạt 1.663 USD (gần 387 triệu đồng).
Tại thủ đô Manila của Philippines, lệnh cấm giết mổ chó mèo làm thịt bắt đầu có hiệu lực từ năm 1982. Tuy nhiên, điều luật này có một lỗ hổng là cho phép giết mổ chó mèo vào các dịp lễ truyền thống tại địa phương. Tới năm 1998 giới chức Philippines phải tăng hình phạt đối với các hành vi mua bán, giết mổ chó, mèo. Cụ thể, các hành vi vi phạm sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền.
Theo luật pháp Thụy Sỹ, giết chó mèo làm thực phẩm là phạm pháp, nhưng thịt chó, mèo vẫn là món ăn phổ biển ở các vùng nông thôn nước này.
Tại Mỹ có 7 bang cấm tuyệt đối với thịt chó là California, Georgia, Hawaii, Michigan, New Jersey, New York và Virginia. Tuy nhiên, các lò giết mổ trên toàn nước Mỹ đều bị cấm tiếp nhận chó, còn các cửa hàng bị cấm rao bán.
Tại Áo, hành vi giết thịt chó mèo làm thực phẩm hoặc vì các mục đích khác đều bị nghiêm cấm, theo khoản 2 điều 6 Luật Bảo vệ động vật. Người vi phạm sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tối đa 7.500 Euro, nếu tái phạm sẽ bị phạt tối đa 15.000 Euro.
PV (Tổng hợp)