Có người tâm sự vì độc thân nên yêu thương chó mèo, có người lại nói vì yêu thương chó mèo nên chọn lối sống độc thân. Những nỗi niềm ấy được khoa học giải thích như thế nào?
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Mai Anh, khi ai đó có cảm giác bị tách biệt với cộng đồng, do nhu cầu được lắng nghe, được nói của họ chưa được thoả mãn, họ sẽ tìm đến hình thức giao tiếp với thú cưng.
.jpg)
Trong cuộc sống đô thị, không ít người không “thu” được tần số tâm lý phù hợp từ các đối tượng đồng loại khác. Họ chẳng có cảm giác yêu thương, gần gũi, chia sẻ với “những cây sậy biết tư duy” đi trên hai chân, mà chỉ thấy ghét bỏ, chán nản. Nhưng với các bè bạn bốn chân, họ rất hứng thú, có thể ôm ấp, vuốt ve, tâm tình, hoặc tán tỉnh cả ngày!
Theo họ, chó mèo rất trung thành. Sự thất vọng, cô đơn triền miên trong thế giới người đã dẫn tới sự dị ứng toàn diện với đồng loại. Từ chấn động tâm lý đó, họ tìm kiếm và gặp được sự giải thoát, chia sẻ của loài bốn chân. Một số trường hợp đã thực sự có “giao tiếp tâm lý” với những bè bạn chỉ biết kêu meo meo hoặc gâu gâu.
.jpg)
“Động vật trị liệu” là thuật ngữ xuất hiện vào khoảng năm 1960 khi nhà tâm lý học người Mỹ Boris Levinson đưa ra phương pháp dùng động vật để điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ. Từ thế kỷ 18, các bác sĩ của bệnh viện tâm thần York Retreat (Anh) cũng dùng một số vật nuôi để phục vụ việc chữa các chứng bệnh về tâm lý. Việc vuốt ve một con mèo hoặc chơi với con chó khiến họ được điều trị tốt hơn so với uống thuốc đặc trị hoặc placebo (giả dược).
.jpg)
Đô thị hiện đại, với lối sống ngày càng tách biệt, cũng là một nguyên nhân thường xuyên dẫn tới sự chán ghét cộng đồng. Một nguyên nhân khác là tình trạng thiếu các hoạt động thể chất. Những người quá yêu thương với chó mèo cũng hay chọn con đường độc thân; hay nói đúng hơn, vì độc thân nên họ dồn hết tình cảm cho chó mèo.
Thu Anh