“Ủng hộ hai tay về việc cấm ăn thịt chó”; “Chó là bạn trung thành chứ không phải thức ăn”; “1 nút share nhưng có thể thay đổi cuộc đời của các bé”…
Đó là lời chia sẻ của nhiều người trước thông điệp kêu gọi người dân không nên ăn thịt chó của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Và tôi đồng tình với những chia sẻ này.
Chưa hết, không ít người còn mong Việt Nam có hẳn lệnh cấm bán và ăn thịt chó mèo như một số nước khác. Tôi cũng đồng tình với mong đợi này.
Vì sao vậy? Vì đối với tôi và rất nhiều người, chó là người bạn, là thành viên trong gia đình chứ không phải là động vật nuôi để thịt.
Trên rất nhiều group về chó mèo như Động chó, Yêu thương bảo vệ Chó Mèo, Niềm tin Sài Gòn… tôi thấy tràn ngập những lời nói, hình ảnh, clip yêu thương của họ dành cho cún cưng.
Bên cạnh đó là những lời cầu khẩn tìm cún lạc và họ sẵn sàng hậu tạ bao nhiêu cũng được để tìm lại người bạn bốn chân của mình. Tôi cảm động với những lời cầu khẩn đó.
Cũng có không ít những lời tâm sự tràn ngập tình yêu thương về chú cún sống cùng họ đến tận già rồi mất đi. Có người còn sợ cảm giác mất mát, chia li đó đến nỗi họ không dám yêu, không dám nuôi thêm một con chó nào nữa, vì họ biết mình sẽ phải đối diện thêm một lần chia li. Tôi thấu hiểu cảm giác này.
Vậy, tại sao loài người lại dành tình cảm nồng hậu cho chó mèo chứ không phải là gà, vịt, ngan, ngỗng?
Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học, chó là một trong những loài động vật được con người thuần hóa sớm nhất.

Loài chó như ta thấy ngày nay được khoa học xác định là tiến hóa từ một loài sói xám. Từ loài hoang dã sang người bạn bốn chân của con người, đây là một sự thay đổi trải dài qua nhiều thế hệ.
Có giả thuyết cho rằng, việc thuần hóa sói hoang của người cổ đại có thể diễn ra đồng thời tại cả hai lục địa Á và Âu, với cách biệt khoảng 1.000 - 2.000 năm.
Một giả thiết khác, sói tiếp cận con người vì muốn dựa dẫm nguồn thức ăn dồi dào. Do đó, khoảng 15.000 năm trước, đây được cho là thời điểm sói và con người bắt đầu trở nên gần gũi.
Có được kết luận này là dựa trên dấu tích khai quật được về một số ngôi mộ của chó nguyên thủy. Hành động chôn cất này được cho là một dấu hiệu của tình cảm.

Hay có những trường hợp chó được chôn cùng con người như tại một ngôi mộ cổ từ cuối thời đồ đá ở miền Bắc Israel. Những người khai quật đã tìm thấy ở đây một cảnh tượng cảm động - tay của người chủ đặt trên vai chú chó, minh chứng cho một mối quan hệ gắn kết.
Đến thời điểm khoảng 8.000 năm trước, chó bắt đầu đồng hành cùng con người trong những chuyến đi săn. Sau đó khoảng 6.000 năm, con người bắt đầu thuần hóa và nuôi chó trong nhà.
Các bức bích họa Ai Cập cổ đại ghi lại hình ảnh những chú chó bên cạnh các pharaoh. Thói quen nuôi chó cũng xuất hiện ở văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại song chủ yếu phổ biến trong giới quý tộc và tăng lữ.
Như vậy, trải qua hàng ngàn năm, tình cảm giữa con người và loài chó đã được gắn bó sâu sắc, lý giải cho việc chó là vật nuôi thân thiết nhất của con người.
Do đó, thật dễ hiểu khi việc ăn thịt chó thực sự là điều không thể chấp nhận được đối với nhiều người cũng như đối với lịch sử gắn bó của người và chó bao lâu nay.
Rất mừng là một số nước đã cấm và phạt rất nặng đối với người giết và ăn thịt chó. Và tôi, một người Việt Nam, có quyền mong đợi một lệnh cấm có hiệu lực đối với việc này.
Độc giả Hứa Bích