Chó không có tuyến mồ hôi trên da. Vậy có nên tắm cho chó hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Dù không có tuyến mồ hôi dưới da nhưng với thời tiết ẩm, nóng như ở Việt Nam, việc vệ sinh, tắm cho thú cưng là điều nên làm. Lý do:
- Bụi bẩn trong không khí, khí hậu nóng ẩm sẽ khiến bộ lông của cún dễ bị bết, vón cục. Điều này vừa gây mất thẩm mỹ, vừa khiến cho các ký sinh trùng như ve, bọ… dễ dàng phát triển và tấn công da chó cưng, gây ra các bệnh da liễu.
- Khả năng chịu nhiệt của chó kém hơn con người rất nhiều do thân nhiệt cao. Bởi vậy, nếu không thường xuyên tắm rửa sẽ khiến các bé chó trở nên khó chịu.
Bao lâu thì nên tắm cho chó cưng?
Chó là loại động vật khá thích nước nên bạn có thể tắm cho chó từ 1 đến 2 lần trong tuần. Tần suất tắm cho chó dựa vào các yếu tố liên quan đến thời tiết, môi trường sống, loại lông. Một chú chó sống trong điều kiện khí hậu mát mẻ, ôn hòa, không tiếp xúc với đất cát và bụi bẩn thường xuyên sẽ không có nhu cầu tắm rửa nhiều. Ngược lại, nếu thời tiết mùa hè oi nóng thì hãy chú ý hơn đến việc tắm cho cún nhé.

Những chú chó có bộ lông mượt và không bị mắc bệnh da liễu thì không nên tắm quá thường xuyên. Tần suất hợp lý là một tuần tắm một lần. Bởi nếu thường xuyên tắm rửa, dùng hóa chất sẽ khiến bộ lông em chó trở nên xơ xác, giảm độ bóng mượt.
Riêng đối với dòng Poodle – giống chó da dầu, chúng ta nên tắm thường xuyên hơn, một tuần tắm hai lần. Giống Alaska, Husky, Golden có bộ lông rất dày, bạn nên chải lông trước khi tắm để lông các bé không bị rối và rụng nhiều.
Khi tắm cho chó, bạn nên chải lông, gỡ rối, loại bỏ những mảng đất, bụi bám trên lông thú cưng.
Trong quá trình tắm, hạn chế nước vào tai, xối nước nhẹ nhàng.
Nên sử dụng sữa tắm chuyên dụng và khi tắm nên gãi và mát xa cho cún. Bạn có thể xả sạch một lần rồi tắm thêm lần nữa cho cún cưng sạch hẳn.
Lưu ý, bạn nên lau và sấy khô cho chúng để tránh ẩm lông, gây nấm mốc.
PV