Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo các bộ có liên quan trong việc soạn thảo chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật ĐVHD.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có Thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo: Giao bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và môi trường, Công an, Thông tin và truyền thông và các bộ, coq quan liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2020.

Trước đó, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đại diện cho 14 tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã có thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị 7 hành động để đóng cửa “thị trường động vật hoang dã” phòng chống dịch SARS-CoV-2.
Ông Trịnh Lê Nguyên (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) cho biết, số liệu mới nhất do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) công bố năm 2019 cho thấy trong khoảng 15 năm gần đây, trong số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể); 1,69 tấn sừng tê giác (ước tính từ khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ, và cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê.
Trước đó, thống kê của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã – Chương trình Việt Nam và Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin cũng khẳng định trong thời gian 5 năm (1/2013 – 12/2017), có đến 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý; 41.328 kg cá thể và sản phẩm bị thu giữ; 1.461 đối tượng vi phạm và 432 bị cáo bị đưa ra xét xử.
Trong bối cảnh dịch SARS-CoV-2 tiếp tục bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng đã có các thông báo, chỉ thị cho chính quyền địa phương nhằm thắt chặt kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã để ngăn ngừa dịch bệnh.
Việc thừa nhận các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là khả năng lây truyền dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người được xem là lời cảnh tỉnh cho xã hội, cộng đồng và các cá nhân đã, đang, sẽ lựa chọn, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia rà soát, sửa đổi và thực thi nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã và ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
‘Trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ của 14 tổ chức bảo tồn thiên nhiên mới đây, chúng tôi cũng đã kiến nghị các biện pháp cụ thể để tiến hành đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép, cũng như kiểm soát chặt chẽ, xử lý các hành vi liên quan.
Trước hết, để thực hiện được mục tiêu này, từ cấp cao nhất của Chính phủ cần thể hiện quyết tâm và có chỉ đạo quyết liệt cho phía chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ của mình. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn mình.
Đối với các cơ quan thực thi pháp luật, cần có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, thích đáng đối với các trường hợp tiếp tay, bảo kê cho buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trên địa bàn mình quản lý.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đánh giá lại chính sách cho phép nhân nuôi động vật hoang dã, cũng như rà soát việc triển khai trên thực tế để đảm bảo những cơ sở này tuân thủ các yêu cầu, không bị biến thành bình phong cho việc hợp pháp hóa nguồn động vật hoang dã trái phép, áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát, phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả.
Đặc biệt là cần đóng cửa và xử lý nghiêm các cơ sở lợi dụng chính sách này để tham gia vào thị trường buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép’ – Ông Trịnh Lê Nguyên cho báo chí biết.
PV