Thứ Sáu 31/03/2023 11:08

Trong nước

Phát hiện hai loài rắn khuyết đặc hữu ở Nam Trường Sơn

Thứ Sáu 07:40 Ngày 01/07/2022
send email print

Trong các chuyến khảo sát thực địa ở vùng rừng nguyên sinh thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các nhà khoa học đã tìm thấy hai loài rắn hoàn toàn mới.

Hướng dẫn viên Nguyễn Anh Thế - sáng lập website Vietnambirds, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Đại học Michigan, Đại học La Sierra và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên San Diego (Mỹ) đã dành nhiều thời gian khảo sát lưu vực sông Giang ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.

Rắn khuyết Ê Đê trưởng thành vừa được phát hiện - Ảnh: NVCC

Tại đây, hệ sinh thái rừng vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, ít bị tác động. Sự giao thoa địa lý của dải đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đã tạo nên địa hình rừng núi khá hiểm trở, khí hậu cũng có sự đan xen, lượng mưa nhiều và thường xuyên. Điều này giúp cho nơi đây có được sự đa dạng sinh học đáng kể.

Ông Thế cho biết 2 loài rắn mới được phát hiện thuộc nhóm rắn khuyết (Lycodon), bao gồm rắn khuyết Ê Đê (Lycodon anakradaya) và rắn khuyết Trường (Lycodon truongi).

Cụ thể, rắn khuyết Ê Đê (Lycodon anakradaya) có kích thước trung bình, dài khoảng 90cm, thân hình con trưởng thành gồm những khoang đen - cam nâu xen kẽ. Chúng là loài rắn sống và kiếm ăn ở các suối chưa bị tác động trong rừng nguyên sinh.

Đặc biệt, khi còn non, rắn có màu sắc gồm những khoang đen - trắng xen kẽ, không giống với rắn trưởng thành, mà "giả dạng" loài rắn cạp nia (Bungarus) cực độc. Nhờ đó, rắn non tăng khả năng sống sót trong tự nhiên bởi rắn khuyết không có nọc độc.

Tên loài rắn được đặt để tri ân đồng bào Ê Đê sinh sống ở nơi loài rắn này được tìm ra.

Rắn khuyết Ê Đê chưa trưởng thành có màu sắc khác biệt - Ảnh: NVCC

Trong khi đó, rắn khuyết Trường (Lycodon truongi) có ngoại hình gần giống hoàn toàn rắn cạp nia, những khoang đen trắng xen kẽ của chúng cũng bố trí dày hơn và đều hơn. Tuy nhiên vì không có nọc độc, rắn bò rất nhanh, dễ mất bình tĩnh và phản ứng mạnh nếu bị trêu chọc hoặc bị phát hiện. 

Ngược lại, rắn cạp nia thường rất "điềm tĩnh" và ít khi chủ động bỏ chạy hoặc tấn công nếu không bị quấy rầy.

Tên loài rắn được đặt theo tên giáo sư Nguyễn Quảng Trường, một chuyên gia hàng đầu về lưỡng cư bò sát ở Việt Nam, người có công trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu các loài rắn và đào tạo các thế hệ khoa học trẻ về lưỡng cư - bò sát nước nhà.

Rắn khuyết Trường có ngoại hình giống với rắn cạp nia - Ảnh: NVCC

Bài nghiên cứu về phát hiện 2 loài rắn mới ở Việt Nam đã được công bố trên tạp chí Động vật học có xương Vertebrate Zoology, thuộc Viện Leibniz (Đức), tạp chí uy tín ở châu Âu về lĩnh vực đa dạng sinh học nói chung.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Hoàng Đức Huy, giảng viên cao cấp khoa sinh học - công nghệ sinh học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng phát hiện này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy chương trình khám phá, bảo tồn và phát triển các nguồn gene bản địa Việt Nam.

"Hơn 20 năm kể từ lần ghi nhận mới nhất, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy loài rắn khuyết mới, đặc hữu cho khu vực Nam Trường Sơn Việt Nam", ông Huy nói.

Theo TTO  

Link gốc: https://tuoitre.vn/phat-hien-hai-loai-ran-khuyet-dac-huu-o-nam-truong-son-20220626133537564.htm

Tổng hợp những pha ngồi... bàn thờ siêu đỉnh

Gia chủ ngao ngán trước cảnh Quàng thượng, cún yêu ''an tọa' trên bàn thờ. Thay vì đánh đập, nhiều gia chủ phải tự bảo vệ lấy bàn thờ của mình trước kẻ xâm lấn.

90 tuổi sinh con đầu lòng: Loài nào mà vô địch vậy?

Cụ rùa Pickles, cùng họ với rùa Astrochelys radiata, đã sống cùng người bạn đời của mình (53 tuổi) từ năm 1996 và đón lứa con đầu tiên hồi tháng 2 vừa qua.

Những động vật chung tình nhất quả đất

Những động vật này yêu nhau say đắm, chung tình. Có loài sau khi "yêu nhau" sẽ gắn bó với nhau trong rất nhiều năm cho đến khi 1 trong 2 con chết.

Thiên nhiên kỳ thú: Vì sao cò Shoebill ăn thịt được cả linh dương và cá sấu?

Ở châu Phi, bên cạnh đà điểu có khả năng chạy nhanh thì tại các đầm lầy có một loài chim rất độc đáo và dễ thương, đó là cò Shoebill, hay còn gọi là cò mỏ giày.

Bí ẩn đại dương: Loại cá đi bộ ở độ sâu 3.000m dưới đáy biển

Các nhà làm phim tài liệu tự nhiên Blue Planet II của BBC ghi lại hình ảnh một loài cá có chân dưới đáy biển, theo Long Room.

'Mực ngoài hành tinh' khổng lồ dài 8m tưởng chỉ có trong phim 

Mực Mangapinna, còn được gọi là với cái tên mực tay dài, có chiều dài cơ thể lên đến 8m, sở hữu các xúc tu lớn gấp 5 đến 20 lần kích thước cơ thể chúng.

Sứa ma khổng lồ săn mồi ở độ sâu gần 1.000 m

Tàu ngầm điều khiển từ xa giúp nhà nghiên cứu có cơ hội quan sát sứa ma bắt mồi với cánh tay miệng dài hơn 10 m ở vùng biển sâu.

Bí ẩn đại dương: Phát hiện 'cá ngoài hành tinh' kỳ dị

Một loài cá 'ngoài hành tinh' kỳ dị đã được phát hiện ở độ sâu hơn 600m dưới lòng đại dương ngoài khơi California, Mỹ. Chúng được gọi là cá mắt thùng.

Chạm trán loài bạch tuộc trong suốt hiếm thấy ở biển Thái Bình Dương

Loài bạch tuộc thủy tinh có thân hình trong suốt hiếm thấy đã được phát hiện ở vùng nước sâu biển Thái Bình Dương, có tên khoa học là Vitreledonella richardi.

ĐỌC NHIỀU TRONG NGÀY
CÙNG CHUYÊN MỤC