Mình mua 1 bé Poodle và bị parvo nhưng không biết. Sau 5 hôm bé mất. Sau đó, các bé nhà cũng bị lây bệnh parvo. Mình mất tiếp 1 bé Pug và 1 bé Nhật lai.
“Mình mua 1 bé Poodle và bị parvo nhưng không biết. Sau 5 hôm bé mất. Không những thế, các bé nhà cũng bị lây bệnh parvo. Mình mất tiếp một bé Pug và một bé Nhật lai.
Giờ mình còn lại 3 em, giống Pom, Poodle và Sam. Các bé đang lây bệnh parvo và bác sĩ bảo khả năng sống chỉ còn 30%. Hôm nay, các bé còn đi ngoài ra máu dù đã được dùng kháng sinh parvo, truyền gluco, lactate, thuốc cầm máu, cầm ói.
Các anh chị em có ai có bé từng bị bệnh này mà chữa khỏi, bày cho mình với!”

Lời kêu cứu của một Sen có các cún bị bên Parvo cho thấy, đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Bệnh Parvovirus rất hay xảy ra ở chó con, lây lan nhanh và gây tử vong cao với em cún dưới một năm tuổi, đặc biệt với chó chưa được tiêm phòng bệnh bằng vaccine.
Bệnh parvo là bệnh gì?

Bệnh Parvo là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh và làm chết nhiều chó, đặc biệt chó non. Bệnh do Canine parvovirus (CPV) gây ra.
Bệnh lây trực tiếp từ chó sang chó hoặc qua phân thải có virus phát tán trong môi trường qua các nhân tố trung gian truyền lây: dụng cụ chăn nuôi, chim chóc, loài gậm nhấm, côn trùng ruồi nhặng mang mầm bệnh đến và lây nhiễm cho chó khỏe.
Canine parvovirus được phát hiện vào cuối những năm 1970. Qua phân lập từ năm 1979 đến 1984, các nhà khoa học đã xác định phần lớn chó nhiễm hai chủng virus CPV2a và CPV2b, nhưng ở Ý, Tây Ban Nha, và Việt Nam người ta còn phát hiện chủng virus thứ ba CPV2c cũng gây bệnh Parvo cho chó.
Khi nhiễm virus, chó ủ bệnh mà không hề có triệu chứng lâm sàng. Giai đoạn phát bệnh sau 3-10 ngày nhiễm virus, chó có các dấu hiệu: Mệt mỏi, ủ rũ, nôn khan ra bọt dãi nhớt màu vàng xanh, sốt và tiêu chảy thường có máu.

Virus gây bệnh Parvo gây viêm xuất huyết toàn bộ ống tiêu hóa, mất nước và rối loạn điện giải trầm trọng. Chó suy sụp nhanh chóng do mất máu, thiếu máu, hạ protein, nội độc tố sinh ra gây chứng nhiễm độc huyết endotoxemia, suy giảm các loại bạch cầu phòng vệ. Chó bị chết nhanh do shock, trụy tuần hoàn, hô hấp.
Việc chữa trị hiệu quả rất thấp, đặc biệt với chó con. Nếu không điều trị sớm, tỷ lệ chó tử vong là trên 80%.
Triệu chứng nhiễm Parvovirus
Chó tiêu chảy liên tục, phân có máu hoặc bốc mùi khó chịu
Chó có biểu hiện lừ đừ, mỏi mệt
Chó đang khoẻ mạnh, hoạt bát bỗng dưng chỉ nằm ủ rũ suốt ngày
Chó có nôn liên tục suốt ngày
Chó có biểu hiện mất nước
Chó biếng ăn hoặc bỏ ăn
Nếu có những triệu chứng kể trên, cún con của bạn đã có thể mắc bệnh parvo.
Do chủ nuôi chó chưa hiểu biết về bệnh Parvo nên thường để chó của mình quá muộn mà không điều trị, dẫn tới bệnh diễn tiến nhanh và chó thường chết sau 48-72 giờ kể từ khi có những triệu chứng đầu tiên.
Cách điều trị, chữa bệnh parvo ở chó

Cần điều trị bệnh sớm từ các dấu hiệu đầu tiên hoặc nghi nhiễm từ các chó ốm: Ủ rũ, nôn khan, mất nước.
Do không có thuốc đặc hiệu, nên hiện nay, bác sĩ thú y chủ yếu điều trị triệu chứng, bù dịch cân bằng điện giải và chống các nhiễm trùng kế phát bằng một số loại kháng sinh: cefoxitin, metronidazole, timentin, enrofloxacin. Bổ sung vitamin B-Complex.
Có thể tạo "Miễn dịch thụ động" bằng truyền huyết thanh của chó khác đã xác định có miễn dịch với Parvo để điều trị chó ốm.
Cách phòng, tránh bệnh parvo cho chó
Bạn cần chủ động bằng tiêm vaccine Parvo cho chó ngay từ 6- 8 tuần tuổi. Tiêm nhắc lại sau một tháng để hoàn thành "Miễn dịch cơ bản" cho chó non. Sau đó hàng năm phải tiêm chủng nhắc lại một lần. Trên các nhãn thuốc, vaccine Parvo có ký tự " P " viết tắt của Parvovirus.
Chó non dưới 4 tháng tuổi, chưa được miễn dịch với bệnh Parvo không nên cho tiếp xúc với chó khác hoặc các tác nhân "trung gian " có thể truyền bệnh.
Cần tiêm phòng vaccine chậm nhất 1 tháng trước khi chó mẹ mang thai để tạo miễn dịch tự nhiên cho chó con sau khi sinh.
Chăm sóc, dinh dưỡng đủ chất và khoa học tăng sức kháng bệnh của chó. Tẩy giun sán cho chó non ngay từ một tháng tuổi.
Thực hiện công tác Kiểm dịch động vật và vệ sinh môi trường nghiêm ngặt ở các nơi tập trung nhiều chó. Xác chó chết nghi mắc bệnh phải được xử lý chôn sâu giữa hai lớp vôi bột, không thả trôi sông, suối, thùng rác hoặc các nơi công cộng.
Các chất tẩy rửa thông thường có thể diệt được virus. Do đó bạn nên làm sạch và sát trùng thường xuyên môi trường, chuồng trại, dụng cụ chăm sóc và các phương tiện vận chuyển chó.
PV (tổng hợp)