Năm 1998 lượng sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và 2019 đều chỉ có 11 con.

Tại hội thảo "Tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở Việt Nam" tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 11/10, TS Trịnh Thị Long, đại diện Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, đưa ra một con số được đánh giá là "suy giảm nghiêm trọng": Năm 1998 lượng sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và 2019 đều chỉ có 11 con.
Tuy nhiên, bà Long cho rằng nếu tính chính xác thì chỉ có… 4 con sếu đầu đỏ, bởi trong số 11 con thì chỉ có 4 con này thường xuyên sinh sống ở khu A4 của vườn quốc gia, những con còn lại chỉ "bay qua thôi".
"Câu hỏi đặt ra là tại sao?", bà Long nêu rồi lý giải: Có nhiều nguyên nhân khiến lượng sếu về ít khoảng 96 lần so với năm 1998 như phát triển dân cư quanh vùng, tác động chung của biến đổi khí hậu cũng như hoạt động phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Bà Long cũng khuyến cáo việc điều tiết nước tại vườn quốc gia này cần làm sao cho phù hợp bởi hiện nay toàn bộ vườn đang bị bao vây bởi 60km đê.
Theo Trung tâm truyền thông cộng đồng môi trường